Supachai Jitjumroon từng là đội trưởng đội tuyển bóng chuyền Thái Lan với những năm tháng rực rỡ trên tuyển tại các kỳ đại hội thể thao khu vực. Chủ công có dáng cao gầy là cầu thủ thứ 2 xin nhập quốc tịch Việt Nam sau Irina Merliakova người Nga của CLB Vietsopetro.
Chơi cho Tràng An Ninh Bình và giúp công lớn trong việc đưa CLB lên ngôi vô địch năm 2008, Supachai Jitjumroon đã mong muốn trở thành công dân Việt Nam để tiếp tục chơi cho Ninh Bình.
Supachai Jitjumroon la cầu thủ bóng chuyền nam đầu tiên nhập quốc tịch Việt Nam
Ngược lại lịch sử, năm 2005 là năm thứ 2 bóng chuyền Việt Nam lên chuyên nghiệp nên việc mở cửa chào đón các ngoại binh sang thi đấu là chuyện thường ngày. Các cầu thủ nước ngoài ồ ạt kéo nhau sang giải VĐQG Việt Nam để thi đấu trong màu áo các CLB.
Những cái tên như Cao Lian Zi, He Das (Trung Quốc), Pijamas Koijapo và Supachai (Thái Lan) xuất hiện đưa bóng chuyền Việt sang một trang mới. Về đầu quân cho Tràng An Ninh Bình, một đội bóng non trẻ vừa thăng hạng đội mạnh trước đó chưa lâu Supachai Jitjumroon giúp đội bóng có những bước tiến vững mạnh và chắc chắn từng ngày.
Đinh Hoàng Trai trong màu áo CLB Tràng An Ninh Bình
Trong chuỗi thành công của đội bóng cố đô với 3 lần vô địch (2006, 2010, 2012), nhiều lần Á quân, hạng ba và sở hữu nhiều loại danh hiệu của bóng chuyền nam Việt Nam thì những đóng góp của ngoại binh là rất lớn.
Xét một cách toàn diện về thành tích lẫy lừng ấy, có những nỗ lực, đóng góp âm thầm và bền bỉ của Supachai, cầu thủ từng đeo băng đội trưởng đội tuyển Thái Lan “làm mưa làm gió” ở đấu trường Đông Nam Á suốt 7 kỳ SEA Games. Anh chính thức chia tay sự nghiệp quốc tế sau lần tranh tài trên sân nhà năm 2007, tại Nakhon Ratchasima.
Bóng chuyền Thái Lan vẫn là nơi cung cấp cầu thủ cho rất nhiều quốc gia
Cầu thủ sinh năm 1979 trưởng thành từ hệ thống bóng chuyền của trường Đại học Điện lực Bangkok. Chơi ở vị trí phụ công, Supachai từng cùng ĐTQG Thái Lan vô địch SEA Games 7 lần, trong đó có 3 lần trên cương vị đội trưởng. Bắt đầu sang đánh thuê cho Tràng An Ninh Bình từ mùa 2005, Supachai lập kỷ lục là ngoại binh có thâm niên cao và liên tục nhất của bóng chuyền Việt Nam. Năm 2010 Supachai Jitjumroon xin nhập quốc tịch Việt Nam.
Chơi ở vị trí phụ công và đạt được những thành quả ngọt ngào nhất trong đời cầu thủ, Supachai Jitjumroon luôn muốn cống hiến cho bóng chuyền Ninh Bình, chẳng vậy mà anh từng nói “Thu nhập của một nhân viên thuộc Sở Điện lực Bangkok, cộng thêm tiền thưởng khi thi đấu cho đội tuyển Thái Lan và đội Sinh viên ĐH Bangkok trước kia, đủ để tôi mua nhà lầu, sắm xe ôtô. Vợ tôi là giáo viên tiếng Anh nên thu nhập cũng đủ để chúng tôi chăm lo cho hai con nhỏ. Vì thế, chuyện thi đấu ở Việt Nam là thỏa mãn sự yêu thích và niềm đam mê chứ không hẳn vì tài chính.Môi trường bóng chuyền ở Ninh Bình khiến tôi thích thú, hạnh phúc vì tình thầy trò, đồng nghiệp, anh em ở đây”.
Những thành công của Tràng An Ninh Bình có sự đóng góp rất lớn từ các cầu thủ như Đinh Hoàng Trai
Là VĐV nam nước ngoài đầu tiên xin nhập quốc tịch Việt Nam để thi đấu bóng chuyền từ năm 2010, Supachai Jitjumroon có lẽ là người hạnh phúc nhất trong những năm tháng khoác áo CLB Tràng An Ninh Bình. Anh chơi bóng để thỏa mãn niềm vui và hơn thế nữa là được….chơi bóng cùng những đồng đội như người nhà. Mang cái tên thuần Việt - Đinh Hoàng Trai, anh nói tiếng Việt như người bản địa và hiểu văn hóa Việt đến từng chân tơ kẽ tóc.
Trong một lần chia sẻ về đồng hương Issawa Singtong, một cầu thủ bóng đá đồng hương Thái Lan khoác áo Đồng Tâm Long An, Supachai cười lớn: “Issawa sao nói giỏi bằng tôi. Gần tám năm chơi bóng ở Việt Nam, không chỉ nói tốt ngôn ngữ của các bạn, tôi còn hiểu biết rất nhiều về phong tục tập quán và văn hóa Việt Nam. Anh thấy đấy, tôi nói tiếng Việt bằng phương ngữ Ninh Bình, giọng Bắc hẳn hoi đấy nhé”.
Issawa Singtong - Một đồng hương của Đinh Hoàng Trai chơi bóng đá tại Việt Nam
Coi Việt Nam như ngôi nhà thứ 2 của mình nên việc qua lại Việt Nam như cơm bữa. Chỉ cần đội bóng chủ quản thông báo trước lịch thi đấu và địa điểm là Đinh Hoàng Trai tự đến tập trung cùng đội không cần có người phiên dịch hay hướng dẫn thủ tục như nhiều ngoại binh khác khi thi đấu nước ngoài.
Trong một cuộc chia sẻ anh có nói “Tôi sang Việt Nam mỗi năm đôi ba lần, lần đầu khoảng một tháng dự tranh vòng 1 và cúp Hùng Vương, lần thứ nhì cũng chừng ấy thời gian để thi đấu vòng 2 và vòng xếp hạng chung cuộc. Thời gian còn lại, tôi dành hết cho công việc chính của mình ở quê nhà là một nhân viên thuộc Sở Điện lực Bangkok”.
Thành công và hạnh phúc với cuộc sống bóng chuyền tại quê hương thứ 2 là thế nên ĐInh Hoàng Trai có nhiều tâm tư, tình cảm với đất nước Việt Nam là điều không thể bàn cãi. Có lẽ vì lẽ đó mà sau những năm tháng đỉnh cao, anh vẫn muốn cống hiến cho đội bóng anh từng gắn bó khi bước chân ra nước ngoài thi đấu.