Kết thúc vòng 1 giải VĐQG 2021 với 4 trận toàn thua, đại diện xứ Thanh còn nhận ngay cú sốc khi đối tác Hải Tiến Resort không tiếp tục tài trợ cho đội dù mới “kết duyên” tròn một năm.
Trước đó, với bản hợp đồng có thời hạn năm một, đội nhận được 2 tỉ đồng. Mức này có thể còn khiêm tốn so với 9 đội bóng khác, song lại vô cùng giá trị đối với đội bóng “nhà nghèo” thuộc diện bậc nhất ở giải VĐQG như Thanh Hóa.
Họ trở lại thảm cảnh chỉ duy trì hoạt động, mức lương thưởng bằng nguồn kinh phí bao cấp vài trăm triệu mỗi năm. Hiện tại lãnh đạo ngành thể thao tỉnh đang nỗ lực tìm kiếm đối tác mới nhưng trước hết vẫn phải trông cả vào quyết tâm cùng nỗ lực vượt khó của các cầu thủ.
Không chỉ tụt lại xa về kinh phí, đội bóng chuyền nữ Thanh Hóa còn phải đối mặt với những thử thách quá lớn khác khi yếu cả về lực lượng lẫn thiếu một HLV giỏi.
Tại mùa này, họ chỉ bổ sung được 2 cầu thủ “mới mà cũ” là phụ công Đinh Thị Trà Giang từ Than Quảng Ninh và Libero Đàm Thị Thùy Linh từ Bộ Tư lệnh Thông tin – FLC, còn lại vẫn phải dựa vào nội lực với các cựu binh sa sút phong độ nhiều như Lê Thị Lan, Lê Thị Hạnh cùng những gương mặt trẻ còn non kinh nghiệm và chuyên môn.
Ở vòng 1 giải VĐQG 2021, Thanh Hóa đã xếp cuối vòng bảng với 4 trận toàn thua, điều được dự báo từ trước. Đến vòng 2 cùng VCK dự kiến vào tháng 12 tới, tình thế của đội còn gian khó hơn nhiều khi rơi vào một bảng C “tử thần” cùng với Bộ Tư lệnh Thông tin - FLC, VTV Bình Điền Long An, Kinh Bắc Bắc Ninh, Than Quảng Ninh.
Đây đều là các đối thủ từ mạnh tới cực mạnh, với tiềm lực tài chính dồi dào , có sự đầu tư chuẩn bị kỹ lưỡng về mọi mặt. Ngay từ bây giờ, Thanh Hóa đã được đánh giá yếu nhất bảng, và khó có thể làm nên điều bất ngờ. Nhiều khả năng, Thanh Hóa sẽ thua tiếp 4 trận nữa, và lần thứ ba phải dự “chung kết” ngược tranh giành suất dự hạng, giống như ở hai mùa mùa rồi.