Không được như World Cup quy tụ NHM từ khắp thế giới, VCK EURO kỳ này càng thiếu sắc màu do vắng bóng một số fan "dị" vì các nguyên nhân khách quan và chủ quan.
Gà trống bị cấm vào sân
Có cảm giác buồn nhè nhẹ trước thềm EURO 2016, khi biết từ nay, ống kính truyền hình nhiều khả năng sẽ không còn cận cảnh con gà trống trứ danh trên tay CĐV Pháp Clement Tomaszewski thường được gọi là Clement xứ Antibes. Nguyên nhân là vì lý do an ninh, UEFA vừa ban lệnh cấm đem thú cưng vào sân, nên Clement Tomaszewski không được phép tiếp tục đem “cục cưng” Balthazar theo cùng.
Nhưng sau khi mua đủ vé xem toàn bộ các trận của chủ nhà Pháp ở VCK EURO 2016, Clement Tomaszewski dự tính khiêu chiến lực lượng an ninh của ban tổ chức.
Ông tuyên bố: “Tôi hiện 68 tuổi. Đây là EURO thứ 6 và có lẽ là cuối cùng của đời tôi. Vì thế, tôi rất bực. Họ bảo tôi rằng con gà trống này là một huyền thoại, vậy mà họ không cho tôi đem nó vào sân. Thế nhưng, tôi sẽ tìm mọi cách để Balthazar luôn xuất hiện trong mọi trận đấu (của Pháp) tại EURO. Nếu Balthazar không được phép vào sân, vậy tôi cũng không vào”.
Nếu kế hoạch đầy thách thức của Clement Tomaszewski hỏng bét, các khán đài của EURO 2016 sẽ chỉ còn tiếng trống của Manuel Caceres Artesero và cặp sừng của Axelle Despiegelaere. Nhưng nếu Axelle Despiegelaere chỉ được chú ý nhờ vẻ đẹp hồn nhiên của cô bé người Bỉ tuổi 17 từ World Cup 2014, Manuel Caceres Artesero mới đúng nghĩa của một fan “dị” chẳng kém bất cứ ai.
Gần 40 năm theo chân Tuyển TBN qua hơn 400 trận kể từ lần đầu xuất ngoại năm 1979, Manuel Caceres Artesero đã trở thành CĐV huyền thoại với tiếng trống thôi thúc các “matador” xung trận. Hiện tham dự đến 7 kỳ EURO và 9 VCK World Cup, Manuel Caceres Artesero từng hồn nhiên tâm sự: “Tôi đã mất tất cả vì bóng đá, từ gia đình, chuyện làm ăn đến tiền bạc, rất nhiều. Nhưng ngày mai, tôi sẽ cố gắng lấy lại tất cả, vì chẳng có gì sánh bằng niềm vui đại diện cho đất nước”.
Đúng là một chút “điên” như thế cùng niềm đam mê vô tận đã biến ông trở thành biểu tượng sống của ĐTQG. Bởi lẽ, đất nước TBN đều biết rõ chuyện một ngày vừa theo chân ĐTQG dự giải trở về, Manuel Caceres Artesero chợt nhận ra cả vợ lẫn con đều bỏ ông mà đi, chỉ vì fan “dị” này không dành nhiều thời gian cho họ. Hoặc tại World Cup 2010, chứng thoát vị đĩa đệm từng buộc Manuel Caceres Artesero quay về TBN điều trị và tưởng chừng phải bỏ giải, nào ngờ ông vẫn cố gắng quay lại Nam Phi để xem trận chung kết.
“Cơn lốc” có lỗi với “tướng quân”
Nhưng tại VCK EURO 2016, chỉ mỗi “cánh én” Manuel Caceres Artesero có làm nổi mùa xuân? Nhưng nếu các khán đài bớt phần sôi động thì lỗi chưa hẳn hoàn toàn quy cho UEFA, mà Tuyển Hà Lan cũng phải gánh phần trách nhiệm. Bởi do họ không vượt qua được vòng loại, “tướng quân” Winfried Witjes lặn lội đến Pháp mới đúng là vô duyên.
Từng được thủ quân Robin van Persie tặng chiếc băng đội trưởng làm kỷ niệm ngay khi Hà Lan thắng Brazil ở trận tranh HCĐ World Cup 2014, CĐV có trang phục như một vị tướng của đoàn quân màu da cam cũng “dị” chẳng kém người đánh trống của Tuyển TBN.
Trong giới CĐV Hà Lan, Winfried Witjes nổi tiếng tới mức khi biết ông không xoay đủ tiền để theo đội nhà sang Brazil, NHM trong nước đã mở chiến dịch quyên góp tiền hỗ trợ “biểu tượng không chính thức” của đội nhà. Ấn tượng hơn nữa là chiến dịch này chỉ cần đúng 1 ngày để hoàn thành sứ mệnh.
Nói tóm lại, một khi Clement Tomaszewski không được phép mang theo chú gà Balthazar hoặc Winfried Witjes phải ngồi nhà xem EURO qua truyền hình, cho rằng fan “dị” ở VCK kỳ này như lá mùa thu chính là vì vậy. Đây sẽ là tổn thất không nhỏ cho Pháp 2016, vì NHM cũng có thể xem như phần nào linh hồn của trò chơi.
Đơn cử như tại World Cup 2014 lúc Brazil thua Đức 1-7, còn hình ảnh nào đáng nhớ bằng cảnh ông lão Clovis Acosta Fernandes ôm Cúp "dỏm" khóc, trước lúc trao tặng nó cho một CĐV Đức với yêu cầu nho nhỏ: “Hãy mang theo nó tới trận chung kết. Như các bạn thấy đấy, muốn giành được nó thật chẳng dễ, nhưng các bạn xứng đáng với nó, xin chúc mừng”.
Giờ đây, Clovis Acosta Fernandes không còn nữa. Ông vừa qua đời hồi năm trước ở tuổi 60 sau 9 năm bệnh ung thư, khiến những ngày hội của thế giới bóng đá bỗng hụt đi mất một fan “dị”. Nhưng biết đâu vì thế mà sắp tới, thế giới bỗng nhìn thấy chiếc “Cúp” kỷ vật ấy chợt xuất hiện trên các khán đài ở Pháp, chỉ bởi một CĐV Đức nào đó muốn mang theo lời chúc lành của Clovis Acosta Fernandes cho đội nhà từ World Cup sang EURO.